25 tháng 8, 2014

Ghi nhận ngày họp mặt BGL toàn quốc lần 4 (08/2014)


Yali 19/08/2014
Sau 4 ngày họp mặt nghe các bài thuyết trình và thảo luận, có nhiều điểm tích cực được ghi nhận trong lần họp mặt 4 này :
Ø  là lần đầu tiên có sự hiện diện đủ 26 giáo phận. Điều này cho thấy các giáo phận đã ghi nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giáo lý và nhu cầu gặp mặt trao đổi với nhau những suy tư, kinh nghiệm và khó khăn trong công việc.
Ø  Ban tổ chức đã điều chỉnh nhiều lần chương trình dự kiến cho phù hợp với nhu cầu phát sinh để
đạt hiệu quả tốt hơn.
Ø  Dành nhiều thời gian hơn cho việc thảo luận nhóm và trao đổi trực tiếp với thuyết trình viên.
Ø   Ý kiến đóng góp đa dạng, tích cực, nên ban thư ký quyết định thu nhận mọi bản đúc kết từ các tổ thảo luận để soạn thảo, sửa đổi lại bản "Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý tại Việt Nam".
Ø  Thay vào đó, bản ghi nhớ tóm lại những ý chính, gợi ý hướng suy tư và cùng triển khai cho các giáo phận. Có thể xem trên website củ HĐGMVN  hoặc bản ghi lại ở cuối bài.
Ø  Ngày cuối, mọi người đã bầu lại Thường Trực của BGLTQ. Theo đó:
    • Lm Fr.X. Nguyễn Văn Việt (Vĩnh Long) trưởng ban
    • Lm Đa minh Phạm Minh Tiến (MT) thư ký
    • Trưởng BGL của 3 giáo tỉnh đương nhiên là Phó ban, gồm:
      • Giuse Nguyễn Đức Cường (ĐL)
      • Giuse Nguyễn Văn Thú (ĐN)
      • Đa minh Trần Ngọc Đăng (BC)
Ø  Một năm trước ngày họp mặt thường kỳ (2017) của BGLTQ, (vào cuối năm 2016) sẽ có 1 buổi họp trù bị của đại diện 26 giáo phận.

Buổi gặp mặt chưa giải quyết và đúc kết thành những “điểm nhấn” như mong đợi, nhưng đã mở ra nhiều góc nhìn đa chiều, mở rộng suy tư cho các giáo phận. Nhận định trên đã hướng BGLTQ tới hai việc cần làm:
Ø  thành lập một tiểu ban chuyên đề cho BGLTQ
Ø  đại diện BGL các giáo phận sẽ giữ liên lạc, trao đổi với nhau thường xuyên hơn.

BẢN GHI NHỚ
HỌP MẶT GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN IV
TTMV TGP. Huế - 18-21/8/2014
Trong 4 ngày, từ 18 đến 21 tháng 8, tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Huế, 237 giáo lý viên, gồm 118 linh mục, 45 tu sĩ, 8 chủng sinh và 64 giáo dân thuộc 26 giáo phận, đã hân hoan sống bên nhau, cầu nguyện, lắng nghe, suy nghĩ và trao đổi, với sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng và sự đồng hành của hai Giám mục: Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin và Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long, chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng, và của hai linh mục: Phêrô Võ Tá Khánh và Giuse Nguyễn Văn Am, SDB, về chủ đề: Huấn giáo phục vụ cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin.
Trước tình trạng tục hóa ngày càng lan rộng và ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống con người, cùng với nhiều thách đố mà Hội Thánh tại Việt Nam phải đối diện, đặc biệt trong lãnh vực huấn giáo, các tham dự viên cảm thấy được thôi thúc canh tân việc dạy giáo lý tại Việt Nam theo hướng truyền giáo, phát xuất từ lời kêu gọi “hoán cải mục vụ” của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng.
Đáp lại hồng ân Chúa Thánh Thần và sự bảo trợ của Đức Mẹ La Vang trong những ngày này, các giáo lý viên nhận thấy cần nỗ lực hơn trong các việc sau đây:
1.   Là môn đệ Chúa Giêsu, bản thân giáo lý viên cần tin tưởng tuyệt đối vào tác động của Chúa Thánh Thần trong các hoạt động huấn giáo, lắng nghe và nhận ra sự thúc đẩy của Ngài nhờ đời sống cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận bí tích, nhờ đó có được nhiệt tình loan báo Tin Mừng và trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng.
2.   Việc dạy giáo lý phải dựa trên Lời Chúa, vì Lời Chúa là linh hồn của việc dạy giáo lý.
3.   Việc dạy giáo lý thiết yếu nhằm: (1) trình bày nội dung đức tin khách quan, đầy đủ và có hệ thống, (2) giúp học viên giáo lý gắn bó và yêu mến Chúa Giêsu; (3) nhờ đó hoán cải để sống và rao giảng Tin Mừng (x. Evangelii Nuntiandi).
4.   Trong việc dạy giáo lý, giáo lý viên phải thoát ra khỏi khuôn khổ của một “lớp” học. Cần hướng dẫn học viên giáo lý cầu nguyện bằng cách thưa chuyện với Chúa nhờ lắng nghe và đón nhận Lời Chúa. Ngoài ra, cần có sự gặp gỡ cá nhân, lắng nghe và đồng hành.
5.   Khi trình bày các mầu nhiệm Kitô giáo, giáo lý viên cần vận dụng ngôn ngữ cụ thể và sống động, sử dụng nghệ thuật để diễn tả vẻ đẹp tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
6.   Khi dạy giáo lý phải tập cho các học viên giáo lý tham gia phụng vụ và có được những thói quen đạo đức trong đời sống hằng ngày; quan tâm đến các vấn đề xã hội và tham gia các hoạt động xã hội nhằm xây dựng thiện ích chung theo Tin Mừng.
7.   Việc giáo dục đức tin là trách nhiệm của cộng đoàn Dân Chúa, cần có sự thống nhất đường lối, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành phần Dân Chúa (giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân), giữa giáo phận, giáo xứ và gia đình.
8.   Để các nỗ lực trên đạt hiệu quả, các tham dự viên ao ước có được những định hướng chung hay Sách Giáo lý chung.
Trong niềm vui, các tham dự viên trở về các giáo phận, với ước muốn chia sẻ hoa trái thu lượm được từ cuộc họp mặt và cộng tác với các giáo lý viên khác để hoạt động giảng dạy giáo lý thực sự được canh tân theo hướng truyền giáo, góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin.
                                                                                                                                                                                         Đồng thuận                                                        Trung Tâm Mục Vụ Tổng giáo phận Huế
                                                                                          Lễ thánh Piô X, ngày 21 tháng 8 năm 2014
           (Đã ký)                                                                                  (Đã ký)

Giám mục Giuse Nguyễn Năng                                  Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền
          Chủ tịch                                                                               Trưởng ban

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét