11 tháng 12, 2013

Một nhận xét về buổi họp GBL Giáo tỉnh Huế



Nhận xét:

Đúng là các giáo phận đều quan tâm và đề cập tới đối tượng của giáo lý là thanh thiếu niên và hôn nhân dự tòng. Riêng Kontum, chỉ dựa 1 phần trên biểu đồ phân tích cách dạy của giáo lý viên để đưa tới trọng tâm của vấn đề là Loan Báo Tin Mừng hôm nay, nhất là cho dân ngoại. Đây là điều chỉ có Kontum lên chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo cho anh em dân tộc trong bối cảnh kinh tế chính trị. Đó là vấn đề nhạy cảm và khó khăn
nhưng là thực tế mà không ai dám đề cập tới, kể cả văn bản của Hội nghị các Giám mục Á Châu vừa qua. Ai tháo gỡ được khó khăn trên, sẽ cảm nhận được thành quả bất ngờ trong sứ mạng LBTM.
      Với kết luận : khủng hoảng thử thách trong xã hội là cơ may Loan Báo Tin Mừng hôm nay, tác giả hướng tới thông điệp Niềm Vui Tin Mừng của ĐGH Phanxicô, mời tất cả hãy quan tâm tới sứ vụ truyền giáo cho dân ngoại trên quê hương mình.

HỌP MẶT GIÁO LÝ GIÁO TỈNH HUẾ 4-5/12/2013
MỘT VÀI NÉT ĐẶC THÙ


Ban Mê Thuột 5/12/2013
Md Phạm Thúy

          Từ ngày 4 đến 5 tháng 12 năm 2013, khoảng 150 thành viên của Ban Giáo lý giáo tỉnh Huế đã họp mặt tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Ban Mê Thuột, nhằm chia sẻ hoạt động giáo lý cũng như những ưu tư về việc dạy giáo lý trong bối cảnh Tân Phúc Âm hóa.
Tham dự viên gồm các thành viên của Ban giáo lý 6 giáo phận: Huế, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Kontum, Ban mê Thuột và Nha Trang. Chủ tọa đoàn gồm có Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột (BMT), Đức Ông Đaminh Hà Duy Khâm, Tổng đại diện giáo phận BMT; Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Thư ký Ủy ban Giáo lý Đức tin, Trưởng Ban Giáo Lý toàn quốc; Cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu, Trưởng Ban Giáo Lý giáo tỉnh Huế; Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Hoàng Hải, Phó Ban Giáo lý Giáo tỉnh Huế.

       Các linh mục trưởng ban giáo lý các giáo phận gồm: Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng ban giáo lý Tổng Giáo phận Huế, Cha Giacôbê Đặng Công Anh, Trưởng ban giáo lý giáo phận Quy Nhơn, Cha Giuse Nguyễn Văn Thú, Trưởng ban giáo lý giáo phận Đà Nẵng, Cha Phanxicô X. Phạm Ngọc Quang, Trưởng ban giáo lý giáo phận Kontum, Cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu, Trưởng ban giáo lý giáo phận BMT và Cha Phêrô Lê Văn Ninh, Trưởng ban giáo lý giáo phận Nha Trang.
       Thành phần khách mời gồm có Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Kim Long, chưởng ấn Toà Giám mục, Cha Augustinô Hoàn Đức Toàn, Cha Giuse Nguyễn Văn Uý, Cha Giuse Bùi Công Chính và Cha G.B. Nguyễn Quốc Hưng là các chuyên viên thần học của Giáo phận Ban Mê Thuột.

        Trong hai ngày này, nhằm rút kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, mỗi giáo phận đều có 45 phút để chia sẻ tình hình hoạt động huấn giáo tại giáo phận mình. Trong tình hình thực tế, đối tượng dạy giáo lý của giáo tỉnh miền Trung không đơn thuần là người Kinh mà còn là anh em dân tộc thiểu số với nhiều sắc tộc khác nhau như: Gia-rai, Ba-na, K’hor, Tày, Mèo, Nùng, Thái, Dao, Sê Đăng, Ê-đê, M’nông, M’nông Bré, R’Ngao, H’Mông… Đây chính là nét đặc thù mà cũng là một trong những thách đố mà hoạt động giáo lý giáo tỉnh phải đối diện.
        Ngoài điểm chung đó cùng với những thuận lợi và khó khăn về tổ chức, về đào tạo giáo lý viên cũng như về thủ bản giáo lý cho các lứa tuổi và giáo trình huấn luyện cho giáo lý viên, mỗi giáo phận đều cho tham dự viên thấy nét đặc thù của mình: Nếu như giáo phận Huế có 90% linh mục tham gia giảng dạy trực tiếp tại các lớp giáo lý, thì giáo phận Nha Trang, vị linh mục trưởng ban giáo lý (giáo phận, giáo hạt, giáo xứ) không trực tiếp đứng lớp mà chỉ giữ phần điều hành tổng quát. Điều ghi nhận về nét độc đáo của Nha Trang trong tổ chức nhân sự điều hành đó là thống nhất một cơ cấu chung áp dụng cho các cấp: giáo phận, giáo hạt và giáo xứ, mỗi đơn vị gồm hai nhân sự, một chăm lo về nội dung giáo lý và một về tổ chức, thường thì một vị linh mục sẽ lo nội dung giáo lý và một giáo dân sẽ lo việc tổ chức hoạt động giáo lý.
        Kontum không giống các giáo phận khác về tiêu chuẩn chọn lựa giáo lý viên có trình độ về văn hóa (12/12) hay về giáo lý (bao đồng), nhưng trong tình hình thực tế, có những giáo lý viên chỉ tốt nghiệp cấp 1 văn hóa (5/12) và trình độ giáo lý có trường hợp người "giảng dạy" đang trong thời kỳ dự tòng (người dân tộc dạy đạo đang khi học đạo). Tuy thế, với phương pháp đồng hành trong giáo lý, việc dạy giáo lý giáo lý đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận
         Đang khi các giáo phận khác gặp khó khăn trước tình trạng các em bỏ học giáo lý gia tăng, thì giáo phận Đà Nẵng đã tìm ra cho mình một phương thế xem ra hữu hiệu, đó là giáo phận cấp chứng chỉ giáo lý sau 12 năm học; chứng chỉ này là điều kiện cần thiết (không thể không có) để đương sự xin lãnh bí tích Hôn phối hoặc xin gia nhập chủng viện, dòng tu.
Vấn đề mà giáo phận Kontum nhìn nhận là giáo lý thiếu tính truyền giáo thì thời điểm này lại là thời điểm thuận lợi cho Quy Nhơn khi lên kế hoạch giáo lý khá quy mô trong dịp mừng 400 năm giáo phận cũng là 400 năm truyền giáo tại Quy Nhơn. Với sáng kiến độc đáo, Quy Nhơn đã lên chương trình giáo lý theo trình thuật 7 ngày tạo dựng. Chương trình giáo lý này không những không cản trở gì đến chương trình giáo lý Phổ Thông mà còn nhịp nhàng và bổ túc cho giáo lý Phổ Thông, có thể gọi đây là “giáo lý cơ hội” và “phổ quát” vì học hỏi nhân dịp kỷ niệm truyền giáo và phổ biến chung cho mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận. Nội dung chương trình triển khai trong 7 năm (2012 đến 2018) với các chủ đề: 2012 - Sám hối và Thanh tẩy; 2013 - Củng cố niềm tin; 2014 - Gia tăng đức ái; 2015 - Chiếu tỏa niềm tin; 2016 - Cậy trông phó thác; 2017 - Yêu thương phục vụ; 2018 - Tri ân cảm tạ.
         Nếu như đa số các giáo phận đang quan tâm và chú trọng đến việc giáo dục đức tin cho các em lứa tuổi phổ thông (6 – 18 tuổi), thì giáo phận Ban Mê Thuột lại thao thức và quan tâm nhiều hơn đến giáo lý DỰ TÒNG và HÔN NHÂN. Từ thực trạng với những vấn đề về hôn nhân khác đạo, ban giáo lý Ban Mê Thuột mang nặng nỗi ưu tư: làm sao giúp các đôi hôn phối biết BẢO VỆ SỰ SỐNG (tránh phá thai) đang khi cũng duy trì và tăng trưởng HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH. Từ nỗi ưu tư, trăn trở ấy, ban giáo lý Ban mê Thuột đã làm một bước đột phá khi khai triển phương pháp Billings vào trong lộ trình giáo lý hôn nhân.
         Nhìn lại và nhìn tới, có thể nói, mặc dù hoạt động huấn giáo tại giáo tỉnh Huế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với bề dày lịch sử và chiều sâu kinh nghiệm, nhất là lửa nhiệt thành vốn có nơi tâm hồn những nhà hoạt động huấn giáo, chắc chắn mỗi giáo phận trong giáo tỉnh Huế sẽ tìm ra cho mình một phương pháp mới, một cách diễn tả mới với ngọn lửa nhiệt tình mới[1] để có thể Loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu hơn trong bối cảnh văn hóa và xã hội, theo đường hướng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Ước gì được như vậy!



[1] X. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư chung 2013, số 4.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét